TP Hồ Chí Minh đề xuất hơn 120.000 tỷ đồng cho dự án Vành đai 4
UBND TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình số 7515/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh. Theo đó, tuyến đường này được kỳ vọng tạo ra trục giao thông chiến lược kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ, Tây Nguyên. Qua đó mở ra không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng nguồn lực, đất đai, hình thành những tuyến vành đai công nghiệp, đô thị, logistics.
Tờ trình nêu rõ, dự án Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh, thành gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh với tổng chiều dài là 159,31km. Trong đó, đoạn dự án qua Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 18,23km; qua Đồng Nai là 46,08km; qua Long An dài 78,3km và đoạn qua TP Hồ Chí Minh dài khoảng 16,7km.
Dự án được chia làm 5 dự án thành phần với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 122.774 tỷ đồng, cụ thể, tuyến chính cao tốc trên địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm cầu Châu Đức ranh giới với tỉnh Đồng Nai) do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền với kinh phí xây dựng khoảng 4.702,56 tỷ đồng.
Xây dựng tuyến chính cao tốc trên địa phận tỉnh Đồng Nai (bao gồm cầu Thủ Biên) do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền với tổng kinh phí xây dựng khoảng 15.966,60 tỷ đồng.
Xây dựng tuyến chính cao tốc trên địa phận TP Hồ Chí Minh (bao gồm cầu Phú Thuận qua sông Sài Gòn và cầu Thầy Cai qua kênh Thầy Cai) do UBND Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan có thẩm quyền với tổng kinh phí xây dựng khoảng 7.550 tỷ đồng.
Xây dựng tuyến chính cao tốc trên địa phận tỉnh Long An đoạn từ cầu Thầy Cai đến cao tốc Hồ Chí Minh - Trung Lương do UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền với tổng kinh phí xây dựng khoảng 21.643,73 tỷ đồng.
Xây dựng tuyến chính cao tốc trên địa phận tỉnh Long An và Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 3,8km), đoạn từ cao tốc Hồ Chí Minh - Trung Lương đến Hiệp Phước do UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền với tổng kinh phí xây dựng khoảng 24.166,01 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 40.994 tỷ đồng với tổng số hộ bị ảnh hưởng là 5.862 hộ. Trong đó TP Hồ Chí Minh có 1.280 hộ, Bà Rịa - Vũng Tàu có 595 hộ, Đồng Nai có 1.697 hộ và tỉnh Long An có 2.290 hộ.
Các địa phương TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn. Tuyến chính cao tốc sẽ đầu tư 4 làn và 2 làn khẩn cấp, đồng thời các địa phương làm đường gom, đường song hành hai bên đường Vành đai. Dự kiến từ quý III/2026 sẽ khởi công các dự án thành phần và đến năm 2028 sẽ hoàn thành xây dựng tuyến đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh.
Phát triển văn hóa, con người xứng đáng Thành phố mang tên Bác
Định hướng phát triển 10 trung tâm logistics tại TP Hồ Chí Minh
Sắp xây cầu gần 500 tỷ đồng tại phía Nam TP Hồ Chí Minh
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 93.000 căn nhà ở xã hội
TP Hồ Chí Minh dự chi 1.850 tỷ đồng xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng
Chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược cho dự án Cảng Cần Giờ