TP Hồ Chí Minh dự chi 1.850 tỷ đồng xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng
Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh vừa có báo cáo số 5955/BC –SVHTT gửi UBND Thành phố, HĐND Thành phố và Sở Kế hoạch và Đầu tư về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, Quận 3 (gọi tắt là Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng).
Theo báo cáo, Dự án được đầu tư trong khuôn viên khu đất rộng 14.417 m2 của nhà thi đấu Phan Đình Phùng cũ, tại Quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Dự án dự kiến xây dựng 3 tầng nổi và 3,5 tầng hầm, tổng diện tích sàn xây dựng tối đa (tính cả phần ngầm) là 59.679 m2, chiều cao công trình là 28 m.
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng sẽ đáp ứng cho nhu cầu tập luyện và thi đấu 13 môn thể thao như bóng chuyền, bóng rổ, đấu kiếm, cầu lông… Khán đài được thiết kế từ 4000-5000 ghế ngồi.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 1.850 tỷ đồng, được đầu tư bằng vốn ngân sách Thành phố.
Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2024 - 2029. Trong đó, năm 2024, sẽ lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Năm 2025 thi tuyển phương án kiến trúc (nếu có); lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Năm 2026 sẽ lập, thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công; khởi công xây dựng công trình. Năm 2027, tiếp tục thi công; năm 2028, hoàn thiện công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Năm 2029, sẽ quyết toán Dự án.
Với tiến độ như Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh đề xuất như trên, khả năng dự án sẽ rất khó để khởi công trước ngày 30/4/2025 như chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố.
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng nằm trên diện tích 1,44ha tại trung tâm quận 3, TP Hồ Chí Minh, được phê duyệt đầu tư theo hình thức BT vào năm 2010 và dự án chính thức được duyệt vào năm 2016.
Tuy nhiên, do hình thức đầu tư BT bị hủy bỏ theo Luật PPP từ 2021, dự án không thể triển khai.
Năm 2011, do không đủ năng lực, Công ty An Tạo rút khỏi dự án, UBND TP xin Thủ tướng chấp thuận chỉ định Tổng công ty Đền bù giải tỏa được đơn phương tiếp tục thực hiện dự án. Ngay sau đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có chỉ đạo "UBND TP quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về việc thay đổi nhà đầu tư...". Trên cơ sở đó, UBND TP có công văn chấp thuận Tổng công ty Đền bù giải tỏa tiếp tục là nhà đầu tư.
Vì chậm tiến độ, tổng mức đầu tư tăng từ 988 tỷ đồng lên 2.215 tỷ đồng. Cuối tháng 4/2024, UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định dừng dự án theo hình thức BT và chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách.
Phát triển văn hóa, con người xứng đáng Thành phố mang tên Bác
Định hướng phát triển 10 trung tâm logistics tại TP Hồ Chí Minh
Sắp xây cầu gần 500 tỷ đồng tại phía Nam TP Hồ Chí Minh
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 93.000 căn nhà ở xã hội
TP Hồ Chí Minh đề xuất hơn 120.000 tỷ đồng cho dự án Vành đai 4
Chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược cho dự án Cảng Cần Giờ