Triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng
Theo đó, dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng (dịch vụ carbon rừng) là một lĩnh vực mới. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này còn chưa đầy đủ, chi tiết và cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số địa phương đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng, bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ carbon.

Đối với các chương trình, đề án chuyển nhượng kết quả giảm phát thải/tín chỉ carbon rừng. đến nay, Việt Nam đang triển khai duy nhất một Chương trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (tín chỉ carbon rừng) là Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ NN&PTNT và Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế (Ngân hàng Thế giới - WB).
Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng cho WB 10,3 triệu tấn CO2 (có thể tăng thêm tối đa 5 triệu tấn CO2), đơn giá là 5 USD/tấn CO2, tổng giá trị chi trả là 51,5 triệu USD, trong đó 95% lượng chuyển nhượng sẽ được tính vào NDC của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent), cơ quan hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) đang chuẩn bị đàm phán, ký kết và triển khai Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ theo Ý định thư (LoI) đã ký ngày 31/10/2021.
Dự kiến, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2021 - 2025. Toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent sẽ được tính vào cam kết NDC của Việt Nam.
Theo ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm Nghiệp, những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai dịch vụ carbon rừng đó là các chính sách và quy định pháp lý tuy đã hình thành nhưng thiếu quy định, hướng dẫn chi tiết để có thể triển khai dịch vụ carbon rừng, cụ thể: quyền sở hữu carbon rừng, quy định về trao đổi, chuyển nhượng carbon rừng, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ carbon rừng.
Bên cạnh đó, hạn ngạch giảm phát thải đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu NDC và tiềm năng tín chỉ carbon rừng có thể thương mại của từng địa phương chưa được xác định, phân bổ. Thông tin, nhận thức của nhiều bên liên quan đến dịch vụ carbon rừng còn nhiều hạn chế như. Tiêu chuẩn carbon rừng và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định, cấp tín chỉ để áp dụng cho thị trường carbon trong nước cũng chưa được xây dựng.
Hiện nay, các bộ, ngành đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện thể chế, kỹ thuật và năng lực để triển khai thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới như xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, xây dựng Đề án phát triển thị trường carbon trong nước.
Cục Lâm nghiệp cũng khuyến nghị các Sở NN&PTNT: Việc thương mại, trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon rừng với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế phải tuân thủ quy định pháp luật và chỉ được thực hiện đối với lượng giảm phát thải dôi dư sau khi đã hoàn thành trách nhiệm đóng góp NDC theo hạn ngạch được phân bổ.
Hà Nội cần giải pháp khẩn cấp để di dời, đóng cửa các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng
Thành lập Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp và môi trường Hà Nội
Đồng Nai: một doanh nghiệp du lịch bị phạt gần 1,6 tỷ đồng vì loạt vi phạm về môi trường
Hà Nội lại ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Đợt không khí lạnh tại miền Bắc kéo dài đến khi nào?
Từ nay đến ngày 8/3, miền Bắc tiếp tục rét đậm rét hại