Từ thị xã nhỏ bé, vươn lên thành thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam
Trước đây, thành phố Hạ Long chỉ là thị xã Hòn Gai nhỏ bé nằm bên Cửa Lục, với khu vực phía Đông chủ yếu phát triển công nghiệp và tập trung các cơ quan quản lý của tỉnh. Còn phía Tây, tại Bãi Cháy, là khu du lịch sôi động và náo nhiệt. Dân cư sinh sống chủ yếu là người dân tộc Kinh, phần lớn là những người từ các vùng khác đến đây lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới.
Trong một số tài liệu còn lưu lại ở văn phòng Tỉnh ủy, giai đoạn này ghi nhận tình trạng khan hiếm lương thực vô cùng nghiêm trọng. Công nhân tại một số đơn vị phải chấp nhận bữa ăn chỉ là cháo, còn không ít gia đình phải bán đi tài sản cá nhân để có đủ gạo sống qua ngày.
Chia sẻ trên Báo Quảng Ninh, nhà báo Ngô Mai Phong cho biết: "Ngã ba buồn thảm chứng kiến đời sống nghèo khổ, thiếu thốn, đến chiếc lốp xe, săm xe bị thủng không có cái mới mà thay, phải độn, phải nối khiến nó phình ra không giống bình thường, mỗi vòng quay lại đầy xóc nảy…".

Năm 1993, TP Hạ Long được thành lập trên cơ sở thị xã Hồng Gai cũ, trở thành thành phố đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, trải qua 31 năm thành lập, Hạ Long đã vươn mình trở thành thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam cả về diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính trực thuộc. Ngoài ra TP Hạ Long còn là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh Quảng Ninh.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của thành phố đã có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực, tập trung vào đổi mới mô hình tăng trưởng. Quá trình phát triển đang dần đi sâu vào chất, với sự chuyển đổi từ nền kinh tế "nâu" sang "xanh", thúc đẩy mạnh mẽ các ngành dịch vụ và du lịch. Đặc biệt, mọi hoạt động đều được quản lý chặt chẽ, bảo đảm phát triển bền vững ở tất cả các lĩnh vực.

Năm 2024, kinh tế Hạ Long tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, ước đạt tăng trưởng 16,5%. Du lịch và dịch vụ phát triển vượt bậc, với 10,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế tăng mạnh 93%. Tổng thu đạt 23.320 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước.
Đầu tư ngoài ngân sách cũng đạt kết quả ấn tượng, với hơn 12.000 tỷ đồng. Thành phố giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động và không còn hộ nghèo, cận nghèo. Hạ Long đóng góp gần 50% tổng thu ngân sách của tỉnh, với thu nhập bình quân đầu người đạt trên 14.000 USD, gấp gần 10 lần so với năm 2002.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 87%, cao gấp đôi mức trung bình cả nước. Sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ, Hạ Long đang trở thành đô thị đa cực, hiện đại và văn minh.
Theo quy hoạch chung đến năm 2040, Hạ Long sẽ trở thành thành phố cấp vùng, đô thị thông minh và xanh, phát triển bền vững, dẫn dắt khu vực Đông Bắc. Thành phố đã ưu tiên hơn 200 nhiệm vụ, đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng vào các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là giao thông, văn hóa, giáo dục, và cấp nước tại các khu vực miền núi, vùng sâu. Đồng thời, Hạ Long cũng chuẩn bị triển khai hơn 100 dự án với hơn 2.000 tỷ đồng để mở rộng không gian phát triển và nâng cao thu nhập cho người dân.Với những thành tựu đáng kể, Hạ Long cam kết tiếp tục là động lực phát triển mạnh mẽ, là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa và du lịch hàng đầu của Quảng Ninh và khu vực.
Quảng Nam thông xe kỹ thuật cầu Sông Thu và cầu An Bình gần 930 tỷ đồng
Bắc Ninh sắp có thêm cảng cạn gần 82.000 m2
Hình ảnh tuyến nhánh kết nối đường Tân Phúc - Võng Phan với cầu La Tiến, Hưng Yên sắp hoàn thành
Bắc Ninh tìm nhà đầu tư cho khu đô thị kết hợp trung tâm huấn luyện bóng đá
Đà Nẵng khởi công siêu dự án đô thị Thuận Phước
Hình ảnh cụm công nghiệp Kim Động 75ha trên đường 14 làn xe ở Hưng Yên