Ứng dụng IoT/AI: chìa khóa đổi mới ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam
Chiều ngày 23/12, tại Hà Nội, hội thảo “Tiềm năng, xu hướng ứng dụng công nghệ IoT/AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam” nằm trong khuôn khổ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 (đợt 1) đã diễn ra. Sự kiện được đồng tổ chức bởi Sở Công Thương Hà Nội và Trung tâm Hỗ trợ Chuyển giao Công nghệ thuộc Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong công nghiệp hỗ trợ
Phát biểu tại hội thảo, Phó phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Linh cho biết, trong thời đại kinh tế số, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) và Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) đã trở thành hai công nghệ chủ lực trong việc định hình tương lai của nền kinh tế và xã hội. Đây là những công nghệ lõi, công nghệ nền tảng, làm tác nhân chính của cuộc cách mạng chuyển đổi số.
AI và IoT nổi bật ở khả năng tạo ra giá trị từ dữ liệu, khi kết hợp, không chỉ tăng cường khả năng tự động hóa mà còn thúc đẩy các sáng tạo mới, tăng hiệu suất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng.
“Là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai ứng dụng các công nghệ mới tại Việt Nam, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn diện, tập trung vào phát triển hạ tầng số, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, là một trong những địa phương tiềm năng với nhiều lợi thế, dám đổi mới quyết liệt, vươn mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng và phát triển AI, IoT nhằm xây dựng hạ tầng số hiện đại” - ông Nguyễn Linh nói.

Công nghệ IoT/AI: giải pháp cho sự phát triển bền vững
Thời gian qua, mặc dù có những phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn có một khoảng cách khá lớn so với các doanh nghiệp FDI.
Về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.
Do đó, để nâng cao năng lực đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, đặc biệt là các khách hàng thế giới, các doanh nghiệp càng phải tăng cường áp dụng các giải pháp linh hoạt trong quản lý sản xuất, quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy sáng kiến, đổi mới mô hình kinh doanh để bảo đảm kinh doanh liên tục, nâng cao năng suất lao động, tuân thủ các tiêu chuẩn hơn nữa. Việc tăng cường áp dụng công nghệ IoT và AI được xem là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về tiềm năng và xu hướng ứng dụng công nghệ IoT và AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Những công nghệ này không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý.
Việc ứng dụng IoT/AI mang lại những giải pháp linh hoạt trong quản lý, cải tiến quy trình công nghệ sản xuất, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đảm bảo kinh doanh bền vững. Các doanh nghiệp được khuyến khích nghiên cứu và triển khai các giải pháp công nghệ mới, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và mở rộng vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hội thảo không chỉ là nơi để các nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng trao đổi, mà còn đặt nền móng cho việc phát triển chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ IoT/AI từ các tổ chức trong và ngoài nước. Kết quả từ hội thảo sẽ là cơ sở để Sở Công Thương Hà Nội tham mưu với Đảng và Nhà nước, xây dựng các chiến lược hoàn thiện cơ chế chính sách, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn công nghệ xanh, sạch.
Hội thảo khép lại với nhiều triển vọng và cam kết hợp tác giữa các bên liên quan. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào ngành công nghiệp hỗ trợ, đưa Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự kiện cũng là minh chứng cho tầm nhìn dài hạn của chính quyền Hà Nội trong việc kết nối các nguồn lực trí tuệ và công nghệ để tạo động lực phát triển bền vững cho các doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
Hà Nội lập tổng đài và kênh Zalo OA tiếp nhận thông tin giao thông
Thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, chuyển đổi số
Thêm 118 điểm Đại lý dịch vụ công trực tuyến tại Thủ đô đi vào hoạt động
Phát triển công dân số trên cả nước, không để ai bị bỏ lại phía sau
Đẩy mạnh tuyên truyền chuyên mục "Sản phẩm công nghệ số xuất sắc" trên iHanoi
SAM bắt tay VSIP xây dựng trung tâm dữ liệu 1,5 tỷ USD