Việt Nam dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng kinh tế số
Việt Nam đạt bước tiến lớn trong chính phủ điện tử

Phiên họp có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Phiên họp được truyền trực tuyến tới các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã vươn lên vị trí 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc công bố tháng 9/2024, tăng 15 bậc so với năm 2022. Lần đầu tiên, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) ở mức "Rất cao".
Về thể chế, nhiều điểm nghẽn được tháo gỡ, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Luật Viễn thông sửa đổi cùng với các văn bản quy phạm pháp luật về dữ liệu giúp giải quyết tình trạng phân tán dữ liệu, tạo nền tảng cho các sản phẩm và dịch vụ số mới.
Các nghị định quan trọng như Nghị định số 82/2024/NĐ-CP, Nghị định số 138/2024/NĐ-CP và Nghị định số 147/2024/NĐ-CP giúp giải quyết khó khăn trong đầu tư công nghệ, sử dụng ngân sách cho chuyển đổi số và tăng cường quản lý hành vi vi phạm trên không gian mạng.
Hạ tầng số phát triển mạnh
Lần đầu tiên sau 15 năm, Việt Nam đấu giá thành công tần số, bổ sung 300 MHz cho mạng 5G, nâng cao chất lượng di động băng rộng. Số thuê bao 2G giảm xuống còn 0,2%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2-5% của thế giới.
Tốc độ tải băng rộng di động đạt 86,96 Mbps, tăng 14 bậc lên vị trí 37/110 quốc gia; tốc độ tải băng rộng cố định đạt 159,32 Mbps, tăng 7 bậc lên vị trí 35/154 quốc gia. Việt Nam đưa vào khai thác tuyến cáp biển thứ 6 với dung lượng 20Tbps, cải thiện tốc độ internet và tăng cường kết nối quốc tế.
Chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tỷ trọng kinh tế số năm 2024 ước đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm, nhanh nhất Đông Nam Á. Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ đạt 25 tỷ USD, tăng 20%. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng trên 50% mỗi năm.
Lần đầu tiên, tỷ lệ truy cập các nền tảng số "Make in Vietnam" vượt 20%, đạt 25,25%, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia có lượng người dùng nền tảng số nội địa cao. Nhiều nền tảng số trong lĩnh vực ngân hàng, mạng xã hội, truyền thông được người dùng lựa chọn thay thế các nền tảng nước ngoài.
Chứng thư chữ ký số cấp cho người dân đạt 12,5 triệu, tăng 58,61% so với năm 2023. Số lượng tài khoản VNeID kích hoạt đạt 55,25 triệu, vượt mục tiêu 40 triệu tài khoản theo Đề án 06/CP. 90% người dân có sổ sức khỏe điện tử, 100% học sinh sinh viên có hồ sơ học tập số, tất cả bệnh viện công và cơ sở giáo dục đại học triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Nâng cao an toàn thông tin
Việt Nam tăng 8 bậc trong bảng xếp hạng an toàn thông tin, đứng thứ 17/194 quốc gia, thuộc nhóm "Hình mẫu" và đứng thứ 4/38 nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đội ngũ an toàn thông tin của Viettel lần thứ hai liên tiếp vô địch giải đấu bảo mật toàn cầu.
Tổng nhân lực công nghệ thông tin đạt 561.000 người, chiếm 1,1% tổng lao động cả nước. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn khi tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình chưa cao, chữ ký số chưa phổ biến và dữ liệu vẫn chưa được kết nối, khai thác hiệu quả.
Năm 2025, chủ đề chuyển đổi số quốc gia sẽ là "Chuyển đổi số toàn diện để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế". Các bộ, ngành, địa phương sẽ quyết liệt triển khai chuyển đổi số theo Nghị quyết số 03 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.
Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đặt mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8-10% trong năm 2025, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về kinh tế số trong khu vực.
Hà Nội phê duyệt dự án xây dựng sàn giao dịch công nghệ hơn 52 tỷ đồng
Nhà thuốc Pharmacity triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua ứng dụng VNeID
Triển khai học bạ số cho 100% học sinh Thủ đô
Hà Nội lập tổng đài và kênh Zalo OA tiếp nhận thông tin giao thông
Thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, chuyển đổi số
Thêm 118 điểm Đại lý dịch vụ công trực tuyến tại Thủ đô đi vào hoạt động