Việt Nam sẽ có 221 khu công nghiệp quy hoạch mới đến năm 2030
Trung tâm Phát triển Bất động sản Việt Nam thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và chính sách tập trung thu hút đầu tư quyết liệt của Chính phủ.
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, nhu cầu về quỹ đất công nghiệp ngày càng tăng, kéo theo việc mở rộng và bổ sung nhiều khu công nghiệp (KCN) mới trong các quy hoạch địa phương. Đặc biệt, nhiều tỉnh thành trên cả nước đang chủ động đẩy mạnh quy hoạch thêm các KCN mới nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư và gia tăng khả năng cạnh tranh.
Bắc Giang là địa phương đầu tiên được phê duyệt quy hoạch vào ngày 17/2/2022 và đến ngày 31/12/2024, TP Hồ Chí Minh là địa phương cuối cùng trong tổng số 63 tỉnh, thành hoàn thành phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở quan trọng giúp từng địa phương có định hướng rõ ràng trong phát triển kinh tế - công nghiệp.

Trong quy hoạch mới, từng địa phương đều đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển diện tích đất công nghiệp nhằm đón đầu làn sóng dịch chuyển sản xuất. Đáng chú ý, nhiều địa phương không chỉ dừng lại ở việc mở rộng KCN hiện hữu mà còn tích cực bổ sung thêm nhiều KCN mới với diện tích lớn, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ.
Việc bổ sung các KCN mới không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam đối với các quốc gia khác trong cùng khu vực.
Theo số liệu thống kê từ "Niên giám Bất động sản công nghiệp Việt Nam - Quy hoạch phát triển đến năm 2030", dự kiến phát hành vào cuối quý I đầu quý II năm 2025. Có 31 địa phương có quy hoạch phát triển mới với 221 Khu công nghiệp phát triển mới.
Bên cạnh 221 KCN quy hoạch phát triển mới, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đã điều chỉnh quy hoạch và mở rộng quỹ đất công nghiệp trên những khu công nghiệp đã thành lập cũ. Việc này không chỉ giúp thu hút đầu tư mà còn tạo ra sức hút lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước.
Xu hướng phát triển các KCN mới không chỉ diễn ra tại các trung tâm công nghiệp truyền thống mà còn lan rộng ra nhiều địa phương mới nổi, tạo ra sự phát triển đồng đều trên cả nước.
Ngoài ra, cụm công nghiệp quy hoạch phát triển đến năm 2030 sẽ có 492 cụm công nghiệp đang hoạt động, 330 cụm công nghiệp dự kiến mở rộng và phát triển, 94 cụm công nghiệp điều chỉnh quy hoạch, 933 cụm công nghiệp quy hoạch mới, 212 cụm công nghiệp dự kiến thành lập khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, về logistic, tại Việt Nam có 22 sân bay, 252 ga tàu, 296 bến cảng, cảng biển tại Việt Nam. Danh sách chi tiết về khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm logistic, sân bay, ga tàu, cảng biển Việt Nam sẽ có trong “Niên giám Bất động sản công nghiệp Việt Nam – Quy hoạch phát triển đến năm 2030”.
Quảng Trị khởi công dự án Khu cảng cạn VSICO tại biên giới Việt - Lào
Đà Nẵng khánh thành chung cư xã hội cho người có công với cách mạng
Quảng Nam thông xe kỹ thuật cầu Sông Thu và cầu An Bình gần 930 tỷ đồng
Bắc Ninh sắp có thêm cảng cạn gần 82.000 m2
Hình ảnh tuyến nhánh kết nối đường Tân Phúc - Võng Phan với cầu La Tiến, Hưng Yên sắp hoàn thành
Bắc Ninh tìm nhà đầu tư cho khu đô thị kết hợp trung tâm huấn luyện bóng đá