Yêu cầu bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc điều trị cúm, cấm đầu cơ tăng giá
Số ca mắc cúm tăng nhanh, người dân đổ xô đi mua dự trữ thuốc
Trong thời gian gần đây, tình hình bệnh cúm có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở phía Bắc, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc kháng virus, có xu hướng gia tăng. Theo ghi nhận, tại nhiều nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện tình trạng “cháy” thuốc, dụng cụ test cúm.

Đặc biệt với Tamiflu - thuốc kháng virus cúm, thường được sử dụng theo đơn của bác sĩ. Dù vậy, hiện nay, trên mạng xã hội, nhiều người “mách nhau” có biểu hiện cúm phải ra mua thuốc này ngay. Các bác sĩ khuyến cáo người dân không được tự ý dùng thuốc vì loại kháng sinh này chỉ dùng đối với các trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc với người có cơ địa tiểu đường, nguy cơ bị tăng nặng. Không dùng đúng liều lượng sẽ để lại nhiều tác dụng phụ.
Loại thuốc này đang được nhiều người ‘săn lùng” bất chấp giá bị đẩy lên cao. Theo giá niêm yết của Bộ Y tế, Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, theo ghi nhận, tại nhiều nhà thuốc, 1 hộp Tamiflu được bán với giá 600.000 – 650.000 đồng, thậm chí không có để mà mua.
Chuyên gia y tế cũng khuyến cáo rằng người dân không nên tự ý mua và sử dụng test nhanh. Xét nghiệm test nhanh cúm thường có độ nhạy tương đối thấp vì vậy ngay cả khi có kết quả test nhanh âm tính với cúm cũng không nên bỏ qua cúm, đặc biệt là với bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp và có suy hô hấp hoặc bệnh nhân có yếu tố nguy cơ nhiễm cúm nặng.
Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc điều trị cúm, cấm đầu cơ tăng giá
Để bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị cúm, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai các nội dung về đảm bảo nguồn cung thuốc cho các bệnh có thể xảy ra trong mùa đông xuân tại công văn số 3847/QLD-KD ngày 2/12/2024 của Cục Quản lý Dược.
Yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Các bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng virus, đảm bảo sẵn sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm. Sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.
Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cúm, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh. Cục Quản lý Dược đề nghị các Đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện.
Tại Việt Nam, số ca mắc cúm đã có sự gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Hiện nay, điều kiện thời tiết mùa đông - xuân với khí hậu ẩm thấp là môi trường thuận lợi cho virus phát triển và lây lan. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, giao thương và các hoạt động lễ hội đầu năm tăng cao làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Do đó, Bộ Y tế kêu gọi chính quyền các cấp, các tổ chức và người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hà Nội ghi nhận ca tử vong đầu tiên do sởi
Dạo quanh con đường ngập sắc vàng hoa phong linh ở Hà Nội
TP Hồ Chí Minh: nữ giới, cán bộ dám nghĩ dám làm được ưu tiên thuê nhà ở xã hội
TP Hồ Chí Minh chi ngân sách 48.000 tỷ đồng làm tuyến metro số 2
Đề xuất mức chi Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ
Làm cộng tác viên chốt đơn hàng để lấy lãi - chiêu lừa cũ nhiều người vẫn mắc bẫy